Search
Close this search box.

Phim ảnh, chiến tranh, và những cảm nhận về chúng

Jump to..

Thực ra thì những ấn tượng đầu tiên của mình về chiến tranh, đó là từ hồi đọc sách lịch sử lúc cấp 2; nhất là các trận đánh Thế chiến, nghe rất bánh cuốn, chiến tranh Việt Nam thì cũng có cố gắng nhớ, nhưng không sao nhớ được, chắc vì quy mô không quành tráng bằng.

Về sau thì những trải nghiệm của mình với chiến tranh mới nhiều hơn, từ việc xem các video trên Youtube kể về các cuộc chiến, cho tới lúc được “trải nghiệm” cảm giác tham gia chiến trường khi chơi game, nhất là series Battlefield; càng được “trải nghiệm” nhiều bao nhiêu, cảm giác càng chân thật, cũng là lúc mình cảm nhận được những cái giá của chiến tranh.

Đó là thương vong. Cả cho 2 bên tham chiến.

Lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác đó là khi chơi Battlefield 3, chiến trường Iraq, và 1 đồng đội đứng ngay trước mắt mình bị 1 phát đạn bắn tỉa bắn trúng người; man down man down, 1s trước còn đứng đó, giờ đồng đội nằm dưới đất, bê bết máu; khoảnh khắc đó làm mình điếng người, câu hỏi nảy ra ngay trong đầu luôn “Nếu người bị bắn là mình thì sao?”.

Từ lúc đó mình đã có thêm cảm giác khác về những cuộc chiến.

Ở dưới là clip quay lại màn chơi đó, bạn có thể xem từ khoảng 3:30

Sau đó thì dần dần mình có hứng thú nhiều hơn với đề tài chiến tranh, và bắt đầu xem nhiều phim về đề tài này hơn. Và thực sự sau đó mình đã có những trải nghiệm chấn động hơn cả lúc chơi game; vì dù sao, game cũng là ảo, còn những hình ảnh, âm thanh trong phim là rất gần với đời thật.

Ở dưới là những bộ phim mà mình đã từ xem qua, và có những cách truyền tải nội dung từ nhiều góc độ khác nhau, cùng với những trải nghiệm của bản thân mình, mong là có thể giới thiệu thêm cho các bạn những cái tên để bạn có thể thưởng thức vào 1 ngày nào đó.

Share phát, đây là collection phim của mình trên Notion, luôn được update liên tục, bạn có thể duplicate template để tạo collection riêng của bản thân nhé:

NateQ Movie Collection

Fury - Cuồng nộ

Mình chọn phim này để mở bát vì nó tương đối là “dễ thở”, các anh trai diễn viên ngầu lòi.

Bối cảnh phim diễn ra ở giai đoạn quân Đồng Minh đã đánh bật quân Phát xít Đức và đang đánh tới Berlin, tuy nhiên quân Đức phản đối rất căng nên thiệt hại rất nhiều.

Diễn viên chính là 5 anh em trên 1 chiếc xe tăng, đây là loại tank Sherman; kíp lái gồm 1 người chỉ huy (do Bratt Pitt đóng) chịu trách nhiệm ra quyết định, quan sát địa hình; 1 lái xe; 1 người nã pháo (do Shia Labeouf thủ vai) – trong film này Shia đóng cực hay; 1 người chịu trách nhiệm thay đạn pháo; 1 người ngồi ghế phụ chịu trách nhiệm bắn trung liên để tiêu diệt địch. Xe tăng nhận nhiệm vụ ngăn chặn đợt phản công của lính Đức để câu giờ có thêm thời gian cho quân Đồng Minh tập hợp.

Film mình thấy hay vì khắc họa được sự thay đổi về mặt suy nghĩ của anh bạn ngồi ghế phụ, từ 1 sĩ quan bàn giấy bị bắt ra chiến trường, tới lúc từ chối giết người; và sau đó là phải bắn súng tới điên cuồng chỉ để bảo vệ bản thân và đồng đội; ngoài ra còn thể hiện được độ bi tráng của 1 cuộc chiến tank-tank, tank-bộ binh.

Có 1 câu thoại mình ấn tượng trong phim, là lúc tổng chỉ huy chiến dịch gọi Bratt Pitt tới để trao đổi chiến thuật, ông này có tự hỏi 1 câu “Why they are not just quit?”; ý nói về việc quân Đồng Minh giờ đã đánh tới sân của Đức rồi, tại sao Đức không đầu hàng đi và không cần có thêm thương vong nữa.

The Pianist - Nghệ sĩ dương cầm (2002)

Lúc đầu khi thấy poster và tên bộ phim, thì mình lại không ưu tiên xem nó lắm, vì mình nghĩ thế quái nào lại có liên quan giữa chiến tranh với nghệ sĩ ở đây; tuy nhiên thực sự mình đã lầm, bộ phim này sau khi xem tạo cho mình 1 ấn tượng cực kì sâu sắc sự mất mát của chiến tranh là như thế nào.

Phim này được làm dựa trên cuốn hồi kí của 1 nghệ sĩ dương cầm Do Thái tên là Szpilman (sau khi mình xem xong phim mới biết thông tin này); từ lúc quân Đức đánh vào Ba Lan, đánh chiếm nơi này và từng bước dồn những người Do Thái vào ngõ cụt; phim kể về những trải nghiệm của nhân vật chính – 1 người nghệ sĩ với chiến tranh; không hào hùng tinh thần chiến đấu, không quả cảm ý chí quyết tử, trái lại, the Pianist chỉ đơn thuần là 1 cuộc chạy trốn, vì sinh tồn, vì là 1 con người bình thường không có khả năng chiến đấu.

Điểm đặc biệt của bộ phim đến từ Âm nhạc; từ việc sử dụng âm nhạc ở thời điểm nào của bộ phim, cho tới những bản nhạc được sử dụng để thể hiện cho sự kiên cường và ý chí của một con người. Thực sự là mình rất ấn tượng với cách sử dụng âm nhạc để kể chuyện như vậy.

Trong hình phía trên là phân cảnh Szpilman chơi đàn trước 1 sĩ quan người Đức (lúc đó Szpilman đang trốn trong biệt thự không, tìm đồ ăn thì xui bị ông này phát hiện; tuy nhiên khi biết Szpilman là 1 nhạc công piano, ông người Đức này lại bảo nhân vật chính đánh 1 bài cho ổng nghe, chứ không bắn giết tại chỗ); và bản nhạc đã được cất lên sau gần 2 tiếng của bộ phim (bạn không nhầm đâu, 1 bộ phim đề tài âm nhạc mà suốt gần 2 tiếng không hề có 1 tiếng nhạc nào). Điều mình thấy hay ở đây là vì bản nhạc Szpilman chọn đánh là của Chopin – 1 nhạc sĩ người Balan, chứ không chọn 1 bài khác của Beethoven (vì Beethoven là người Đức) để lấy lòng ông sĩ quan, chấp nhận có thể sẽ bị 1 phát súng vô đầu.

Và trong phim, bạn sẽ được thấy đủ thể loại nhân vật: người Ba Lan tốt, người Ba Lan xấu, người Ba Lan “không tốt” nhưng lại không xấu, người Đức độc ác, người Đức không độc ác; mang lại 1 bức tranh toàn cảnh cho chúng ta biết rằng trong chiến tranh có đủ thể loại người. 

Schindler’s List (1993)​

Bộ phim này mình xem ngay sau bộ phim The Pianist ở trên, lúc xem thì mình không biết trước được bối cảnh hay nội dung của phim; nên lúc bắt đầu xem mới phát hiện ra là nhân vật chính trong phim là 1 người Đức, tên Oskar Schindler, và mình rất tò mò “Danh sách của Schindler” là cái gì, có phải là danh sách diệt chủng hay gì không.

Lúc xem xong thì mình thật sự cảm thấy sốc; cách phim khắc họa cuộc chiến tranh, những chi tiết mà nhà làm phim đã cài cắm xuyên suốt; bộ phim dài gần 3 tiếng rưỡi, là từng ấy thời gian mình vừa xem vừa đau lòng.

Sau khi xem phim thì mình có tìm đọc review, thì biết phim dựa trên 1 nhân vật lịch sử có thật, ông Schindler là 1 nhà kinh doanh người Đức đã đấu tranh giành sự sống cho những người Do Thái Ba Lan trước nạn diệt chủng. Phim này toàn bộ là quay đen trắng, chỉ có duy nhất hình ảnh 1 cô bé mang 1 chiếc áo đỏ là có màu; điều này làm mình ấn tượng rất mạnh.

Ngoài ra, việc khắc họa nhân vật ở đây rất hay; nhân vật Schindler trong phim không phải là 1 con người thần thánh gì cả, ông này chỉ đơn thuần là 1 người Đức bỏ lại quá khứ, qua Ba Lan kiếm cơ hội đổi đời; có tài ăn nói và biết mánh kinh doanh; khi phát hiện ra nhân công Ba Lan thuê rẻ như cho, ổng kiếm đường để hốt nhân công về từ trại tập trung. Có 1 nhân vật thứ chính rất quan trọng trong phim, đó là Stern – 1 nhà quản lý người Do Thái, Stern và Schindler là 2 con người trái ngược nhau hoàn toàn về tính cách, suy nghĩ, quan điểm, mục tiêu, và xuất thân; nhưng giữa 2 con người này đã có 1 tình bạn cực kì hay; nhờ Stern mà Schindler dần có những suy nghĩ ngoài chuyện tiền nong, nhờ Schindler mà Stern có thêm cơ hội để cứu thêm được nhiều hơn những đồng bào Do Thái.

The Pianist đặt góc nhìn ở 1 con người Do Thái. Schindler’s List lại từ 1 đảng viên Đức Quốc Xã.

Chuyện phim rất đời. Trần trụi. Đau lòng. Và cả hạnh phúc.

Một bộ phim mình hối hận vì đã không xem sớm hơn.

Saving Private Ryan (1998)

Đây là 1 bộ phim kinh điển, chắc hẳn bạn cũng đã có dịp nghe qua rồi.

Bối cảnh phim là ở thời điểm quân Đồng Minh ra chiến dịch để đáp úp Đức; bắt đầu phim là trận D-day huyền thoại ở bờ biển Normandy, vừa vào phim là bạn đã được cảm nhận không khí của 1 trận chiến: tiếng đạn, tiếng bom, tiếng la hét, tiếng ù ù, đồng đội bị bắt chết, đồng đội chưa chết còn đang hấp hối. Rất đẫm máu.

Sau khi chiếm được bờ biển, ông tướng nhận thông báo rằng 3/4 anh em nhà Ryan đều đã hy sinh trên chiến trường, cảm động với sự mất mát của nhà Ryan, ông tướng ra lệnh cho tiểu đội do Đại úy John H. Miller (Tom Hanks thủ vai) tìm và báo tin cho người con út còn lại của nhà Ryan quay về (đó là lí do tại sao có cái tên Saving Private Ryan).

Bộ phim là bản hùng ca về tình đồng chí, sự quả cảm của những người lính, và cả sự khắc nghiệt của chiến tranh.

Phim này coi đã lắm.

À bonus cho mọi người video chi tiết về cuộc đổ bộ, mình nhớ hồi học Sử nghe kể thấy đơn giản, mà thực ra là nó hack não và kinh khủng gấp mấy chục lần.

Dunkirk (2017)

Phim này có tên tiếng việt là “Cuộc Di Tản Dunkirk”, kể về cuộc di tản có thể nói là lớn nhất thời gian, khi 400.000 lính phe đồng minh (đa số là quân Anh) bị quân Phát xít Đức dồn tới bờ Dunkirk, và thuyền bè lúc đó chưa kịp tới để hỗ trợ lính di tản, hiểu đơn giản là mấy anh này bị quân Đức dồn vào hẻm cụt, chuẩn bị bay màu.

Xem phim này bạn sẽ có được 1 trải nghiệm của “chiếu dưới” là như thế nào trong chiến tranh; co rút tránh máy bay ném bom của địch, lo lắng không biết có tiếp viện không; có tiếp viện thì có kịp cứu không, mình có sống nổi không,… Hàng trăm câu hỏi sẽ nảy số trong đầu bạn nếu bị đặt trong tình cảnh đó.

Ngoài ra sẽ có những trận không chiến (dogfight) cực kì chân thực, về mặt bối cảnh thì đạo diễn Nolan đã làm hết sức xuất sắc.

Bonus video tường thuật trận Dunkirk thực tế. Trận này mà Đức không bị vướng mấy anh Nga thì dễ nước Anh bay màu luôn 🙁

– Danh sách sẽ được tiếp tục cập nhật vì đây là chủ đề mình rất thích, bạn có thể bookmark lại nếu muốn tiếp tục theo dõi collection của mình nhé –

Danh sách sẽ được tiếp tục cập nhật vì đây là chủ đề mình rất thích, bạn có thể bookmark lại nếu muốn tiếp tục theo dõi collection của mình nhé
NhatNguyenDS

Extra: Lượm lặt những thứ liên quan tới chiến tranh mà mình thấy ấn tượng

1 cảnh trong phim Midway, đây là bảng điểm danh những người còn sống sau trận chiến, mặc dù thắng, nhưng phần lớn binh sĩ đã nằm lại
hình chụp điện báo cuối cùng của chiến sĩ Việt Nam trong trận đồi Pha Long, lính Việt Nam đã tử thủ để bảo vệ căn cứ
1 cảnh trong The Pianist, khi nhân vật chính may mắn trốn thoát khỏi chuyến tàu diệt chủng, và đây là khung cảnh khi anh chạy về nhà, chỉ biết bất lực khóc

2 thoughts on “Phim ảnh, chiến tranh, và những cảm nhận về chúng”

  1. Em muốn hỏi ad có biết phim chiến tranh của nước nào ấy mà bắn nhau. 1 bên cố thủ và 1 bên cứ bắn nhau mấy phát rồi rút lui sau lại bắn tiếp. Đến lúc bên thủ hết đạn phải lấy vỏ đạn sử dụng tiếp. E xem lâu rồi giờ tìm k ra

    1. Haha hỏi vậy mình cũng chưa nghĩ ra phim nào, bạn có nhớ chi tiết nào đặc biệt hơn không?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts

error: Content is protected !!